EQ là thứ mà bạn có thể làm việc với nó, phát triển nó như cơ bắp hay một kỹ năng vậy, rồi quan sát nó tăng trưởng,...
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Quotient/ Emotional Intelligence) hay trí tuệ xúc cảm là khả năng nhận dạng, kiểm soát và điều hướng cảm xúc theo hướng tích cực. Không chỉ kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân, EQ còn bao hàm trong đó năng lực nhận biết cảm xúc của người khác (ví dụ: vui, buồn, tức giận…) để giao tiếp hiệu quả, đồng cảm hơn với mọi người.
Hãy cùng PSYGITAL khám phá 5 bí quyết thực tế để bạn cải thiện EQ của mình ngay hôm nay nhé. Điều này sẽ góp phần phát triển sự tự nhận thức và cải thiện mối quan hệ của bạn với cả chính bạn và những người khác đấy.
1. Luyện tập khả năng tự nhận thức
Giống như hầu hết những thứ thuộc về tình cảm, bạn không thể giỏi về nó cho đến khi bạn biết chính xác nó là cái chết tiệt gì. Khi bạn thiếu khả năng tự nhận thức, cố gắng quản lý cảm xúc chỉ giống như ngồi trong một chiếc thuyền nhỏ mà không có buồm chơi vơi trong biển cảm xúc của chính mình, hoàn toàn ngẫu hứng trước dòng chảy của bất cứ cái gì xuất hiện mỗi khoảnh khắc. Bạn không biết sẽ đi đâu và làm thế nào để tới đó. Và tất cả những gì bạn có thể làm là hét lên và kêu gào giúp đỡ.
Tự nhận thức chính là việc thấu hiểu bản thân bạn và hành vi của bạn ở ba cấp độ:
- Những gì bạn đang làm,
- Bạn cảm nhận về nó như thế nào,
- Phần khó nhất, tìm hiểu xem bạn không hiểu gì về bản thân mình.
Thấu hiểu những gì bạn đang làm
Bạn có thể nghĩ chuyện này quả thật đơn giản và dễ dàng, nhưng sự thật là trong thế kỷ 21, hầu hết chúng ta đều chẳng biết mình đang làm cái quái gì thậm chí suốt nửa đời kia. Chúng ta có chế độ tự động auto-pilot – tự động kiểm tra thư điện tử, text BFF – tự động kiểm tra Instagram, xem YouTube, kiểm tra mail, gõ BFF, v.v…
Loại bỏ những phiền nhiễu khỏi cuộc sống của bạn, như tắt điện thoại cứ ring ring suốt ngày của bạn đi và tham gia vào thế giới xung quanh bạn là bước tốt đẹp đầu tiên của quá trình tự nhận thức. Tìm không gian yên tĩnh, cô độc, có chút đáng sợ tiềm tàng, chính là nơi cần thiết cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Các hình thức gây xao lãng khác còn có công việc, tivi, ma túy, rượu, trò chơi điện tử, tranh cãi qua mạng internet…
Hãy lập lịch trình thời gian hàng ngày của bạn để có thể tránh xa khỏi chúng. Hãy làm cho buổi sáng của bạn không có âm nhạc hay podcast. Chỉ cần nghĩ về cuộc đời bạn. Hãy suy nghĩ về cảm giác của bạn. Dành 10 phút buổi sáng để thiền. Xóa mạng xã hội ra khỏi điện thoại của bạn trong một tuần. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì xảy ra với mình.
Chúng ta sử dụng những phiền nhiễu này để tránh né nhiều cảm xúc không thoải mái, vì thế khi xóa bỏ những phiền nhiễu ấy và tập trung vào cảm xúc của bản thân, ta có thể phát hiện ra vài thứ đáng sợ. Nhưng loại bỏ phiền nhiễu vẫn là điều quan trọng vì nó đưa chúng ta lên cấp độ tiếp theo.
Thấu hiểu những gì bạn đang cảm nhận
Ban đầu, khi bạn thực sự chú ý đến cảm giác của bạn, nó có thể khiến bạn hoảng sợ. Bạn có lẽ nhận ra mình thường xuyên buồn bã hay mình là một tên khốn giận dữ với nhiều người trong đời. Bạn có thể nhận ra rất nhiều lo lắng đang diễn ra, và việc “nghiện điện thoại” thực ra chỉ là cách làm tê liệt và đánh lạc hướng bạn khỏi lo lắng.
Quan trọng lúc này là đừng phán xét những cảm xúc phát sinh. Bạn sẽ bị cám dỗ để nói gì đó kiểu như “Chết tiệt! Lo lắng ư? Cái quái gì đang xảy ra với mình thế nhỉ?” Nhưng điều đó chỉ làm mọi chuyện tệ hơn. Dù cảm xúc có là gì đi chăng nữa, chúng đều luôn có lý do hợp lý để tồn tại, ngay cả khi bạn chẳng nhớ lý do đó là gì. Vì thế đừng khiến bản thân căng thẳng.
Thấu hiểu khối cảm xúc của chính mình
Một khi bạn nhìn ra toàn bộ những thứ khó chịu mà bạn đang cảm thấy, bạn sẽ bắt đầu có cảm giác sự điên rồ nhỏ bé của mình đang trú ngụ nơi nào. Ví dụ, tôi thực sự bực bội khi bị ngắt lời. Tôi dễ dàng nổi cáu khi cố gắng nói mà người ta lại phân tâm. Tôi coi đó là vấn đề cá nhân. Đôi khi cảm xúc biểu hiện thành thô lỗ, nhưng lại có lúc điều tệ hại xảy ra, tôi phải kết thúc bằng việc trông như một tên khốn, vì tôi không thể chịu đựng hai giây mà không nói từ nào để ra vẻ lịch thiệp. Đó là khối cảm xúc nhảm nhí của tôi. Và chỉ bằng cách nhận thức được nó, tôi mới có thể phản ứng lại với nó. Giờ chỉ tự nhận thức là chưa đủ. Người ta còn phải có khả năng quản lý cảm xúc của họ nữa.
2. Thử thách cảm xúc của bạn đi
Những người tin rằng cảm xúc là tất cả của cuộc đời thường tìm cách “điều khiển” cảm xúc của họ. Bạn không thể. Bạn chỉ có thể phản ứng với nó. Cảm xúc đơn thuần chỉ là những tín hiệu nói cho chúng ta cần chú ý vào cái gì đó. Sau đó chúng ta có thể quyết định “cái gì đó” có quan trọng hay không và lựa chọn cách hành động tốt nhất để giải quyết vấn đề đó – hoặc không cần làm gì hết. Không có cái gọi là cảm xúc “tốt” hay “xấu” – chỉ có phản ứng “tốt” hay “xấu” với cảm xúc của bạn.
Tức giận có thể là một cảm xúc mang tính hủy diệt nếu bạn định hướng sai và làm tổn thương người khác hoặc bản thân trong quá trình này. Nhưng nó có thể là cảm xúc tốt nếu bạn sử dụng nó để sửa chữa những bất công và/hoặc bảo vệ bản thân và mọi người.
Niềm vui có thể là một cảm xúc tuyệt vời khi được chia sẻ với những người bạn yêu thương khi có điều gì tốt đẹp xảy ra. Nhưng nó cũng có thể là một cảm xúc kinh hoàng nếu bắt nguồn từ việc gây tổn thương cho người khác.
Những cái đó gọi là hành động quản lý cảm xúc của bạn: nhận ra những gì bạn cảm thấy, quyết định liệu đó có phải là cảm xúc phù hợp đối với hoàn cảnh không, và tiếp đến là hành động. Toàn bộ vấn đề này là để hướng cảm xúc của bạn vào thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “hành vi hướng mục đích” – còn tôi thì thích gọi là “làm bản thân hiệu quả” hơn.
3. Học cách tạo động lực cho bản thân
Bạn đã bao giờ từng đánh mất chính mình trong một hoạt động nào đó chưa? Giống như bạn bắt đầu làm một việc gì đó rồi đắm chìm trong nó, và khi bạn thoát khỏi trạng thái thôi miên đó, bạn nhận thấy ba tiếng đồng hồ trôi qua chỉ như mười lăm phút?
Chuyện này đôi khi xảy ra với tôi khi viết bài
Tôi mất cảm giác về thời gian và tôi nhận được một loạt cảm xúc tinh tế khi vạch ra những ý tưởng trong đầu rồi diễn đạt chúng thành lời. Nó giống như cảm giác mê hoặc pha trộn chút âm mưu, sự nản lòng trộn lẫn với một chút dopamine khi tôi cảm thấy mình vừa nghĩ ra câu văn hay hoặc một trò đùa tinh quái, hoặc thứ gì đó không khiến tôi chửi rủa.
Tôi thích cảm giác này, và khi tôi đạt được nó, nó thúc đẩy tôi tiếp tục viết. Dù vậy, hãy lưu ý một điều quan trọng: Tôi không chờ đợi cảm giác đó xuất hiện trước khi bắt đầu viết. Tôi bắt đầu viết, rồi cảm giác đó bắt đầu nảy sinh, nó thúc đẩy tôi tiếp tục viết, và cảm giác đó được phát triển thêm chút nữa, cứ thế từng chút từng chút một.
Cái này tôi gọi là Nguyên tắc 'Do Something' và có lẽ đó là một trong những chiêu thức đơn giản nhất nhưng kỳ diệu nhất mà tôi từng gặp. Nguyên tắc 'Do Something” phát biểu rằng: hành động không chỉ là hệ quả của động lực, mà còn là nguyên nhân tạo ra động lực.
Hầu hết mọi người đều cố gắng tìm kiếm cảm hứng trước tiên để họ có thể thực hiện được những hành động nhất thời và thay đổi mọi thứ về bản thân và hoàn cảnh của mình. Họ cố tự nâng cao bản thân bằng bất cứ hương vị nào từ việc thủ dâm tinh thần theo phong cách của tuần đó để cuối cùng họ cũng có thể thực sự hành động. Nhưng sang tuần kế tiếp, họ hết hơi và trở lại trạng thái ban đầu, giật mình ngó sang một “phương pháp” tạo động lực khác.
Nhưng tôi thích bật nó lên trong đầu hoàn toàn
Khi tôi cần phải có động lực, tôi chỉ cần làm một cái gì đó thậm chí còn xa mới liên quan đến cái tôi muốn hoàn thành, sau đó hành động thúc đẩy động lực, lại thúc đẩy hành động…
Khi tôi không cảm thấy muốn viết, tôi tự nhủ giờ tôi chỉ làm việc với đề cương. Một khi tôi làm điều đó, nó thường khiến tôi nghĩ về cái gì đó thú vị hơn mà tôi chưa nghĩ ra nhưng lại muốn đề cập tới, thế là tôi lại viết nó ra một chút. Trước khi tôi thấu hiểu điều đó, tôi đã đi được nửa đường bản đề cương mà còn chưa kịp mặc xong cái quần âu. (Lưu ý: đó chỉ là vì tôi không bao giờ mặc quần âu.) Vấn đề là để sử dụng được cảm xúc của bạn một cách hiệu quả để làm bản thân trở nên hiệu quả, bạn phải làm một cái gì đó.
Nếu bạn không cảm thấy bất cứ thứ gì có thể thúc đẩy được bạn, hãy làm một cái gì đó. Vẽ một hình tượng trưng, tìm một lớp học coding trực tuyến miễn phí, nói chuyện với một người lạ, học chơi một nhạc cụ, học một chủ đề nào đó thực sự khó nhằn, tham gia tình nguyện trong cộng đồng của bạn, tới lớp nhảy salsa, đóng giá sách, viết một bài thơ. Hãy chú ý vào cảm giác của bạn trước, trong và sau bất cứ thứ gì bạn làm rồi sử dụng chúng để hướng dẫn cho các hành vi tương lai của bản thân.
Và hãy nhớ rằng không phải cứ cảm xúc “tốt” mới thúc đẩy được bạn
..đôi khi tôi thấy nản lòng và thực sự bực mình khi không thể nói chính xác những gì mình muốn nói. Đôi khi tôi lo lắng những gì mình viết ra sẽ không cộng hưởng được với mọi người. Nhưng dù vì bất cứ lý do gì, những cảm giác đó thường chỉ làm tôi muốn viết nhiều hơn nữa. Tôi thích thách thức vật lộn với thứ gì đó cách xa tầm tay tôi một chút.
4. Nhận biết cảm xúc từ người khác để tạo ra các mối quan hệ lành mạnh
Mọi thứ chúng ta vừa đề cập ở trên đều xử lý và điều khiển các cảm xúc bên trong chúng ta. Nhưng mục tiêu chính của việc phát triển EQ cuối cùng vẫn là nhằm thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh hơn trong cuộc sống của chính bạn. Và các mối quan hệ lành mạnh – quan hệ lãng mạn, quan hệ gia đình, bạn bè… - đều bắt đầu bằng việc công nhận và tôn trọng các nhu cầu tình cảm của nhau. Bạn làm điều này bằng cách kết nối và đồng cảm với người khác. Bằng việc lắng nghe người khác và chia sẻ bản thân một cách trung thực với mọi người – thông qua tính dễ bị tổn thương.
Để đồng cảm với ai đó, không nhất thiết phải hoàn toàn thấu hiểu họ
...chỉ cần chấp nhận họ như cách họ vốn có, ngay cả khi bạn không hiểu họ. Bạn học cách coi trọng sự tồn tại của họ và đối xử với họ như mục đích chứ không phải phương tiện cho một việc nào khác. Bạn thừa nhận nỗi đau của họ như nỗi đau của bạn – nỗi đau tập thể của chúng ta.
Các mối quan hệ là nơi sợi cao su tình cảm va chạm vào mặt đường tục ngữ. Chúng đưa chúng ta ra khỏi đầu và đi vào thế giới xung quanh ta. Chúng làm chúng ta nhận ra chúng ta là một phần của cái gì đó lớn lao hơn và phức tạp hơn bản thân chúng ta. Và cuối cùng, các mối quan hệ chính là cách chúng ta xác định giá trị bản thân.
5. Tìm hiểu cảm xúc cùng với giá trị
Khi cuốn sách của Daniel Goleman ra đời những năm 90, “trí tuệ cảm xúc” trở thành một từ khóa lớn trong tâm lý học. Các CEO và các nhà quản lý tìm đọc sách vở rồi đi tới đối xử với nhân viên theo trí tuệ cảm xúc để tạo động lực cho lực lượng lao động. Các nhà trị liệu cố tiếp thu thật nhiều nhận thức về cảm xúc của khách hàng để giúp họ kiểm soát cuộc sống. Bố mẹ được khuyến khích nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc ở trẻ nhằm chuẩn bị cho chúng trước một thế giới thay đổi và hướng cảm xúc. Tuy nhiên nhiều kiểu suy nghĩ loại này đã bỏ qua vấn đề cốt lõi.
Trí tuệ cảm xúc sẽ vô nghĩa nếu không hướng tới các giá trị của bạn
Bạn có thể có một CEO có trí tuệ cảm xúc cao nhất hành tinh, nhưng nếu cô ta sử dụng các kỹ năng của mình để thúc đẩy nhân viên bán các sản phẩm được tạo ra bằng cách bót lột người nghèo hay phá hủy hành tinh, thì liệu trí tuệ cảm xúc có phải là một phẩm chất tốt?
Một người cha có thể dạy con trai mình những nguyên lý của trí tuệ cảm xúc, nhưng không dạy cậu bé giá trị của sự trung thực và tôn trọng, cậu có thể biến thành một kẻ tàn nhẫn, dối trá nhưng thông minh về mặt cảm xúc.
Những kẻ lừa đảo đều có EQ rất cao. Chúng đọc hiểu cảm xúc rất tốt, cả cảm xúc nội tại và đặc biệt cảm xúc của người khác. Nhưng cuối cùng chúng lại sử dụng thông tin đó để thao túng mọi người vì mục đích cá nhân. Chúng coi trọng bản thân hơn mọi thứ và định giá bản thân bằng chi phí của tất cả mọi người. Mọi thứ đều trở nên xấu xa khi bạn coi thế giới bên ngoài chỉ đáng chút xíu.
Cuối cùng, chúng ta luôn chọn những gì chúng ta coi trọng
...cho dù chúng ta thấu hiểu nó hay không. Và cảm xúc sẽ mang theo những giá trị này thông qua việc thúc đẩy hành vi của chúng ta theo một cách nào đó.Để sống cuộc đời mà bạn thực sự muốn sống, trước tiên bạn phải rõ ràng về những gì bạn thực sự coi trọng, vì đó là nơi năng lượng cảm xúc của bạn sẽ được hướng tới. Và khi đã biết những gì bạn thực sự đánh giá cao – không chỉ những gì bạn nói – lúc đó bạn mới có thể phát triển trí tuệ cảm xúc một cách tốt nhất.
Nguồn: https://markmanson.net/emotional-intelligence