Mình thi xong môn đầu, dò đáp án mà nản quá hổng muốn ôn cho môn sau luôn! Mình “cày” công thức toán suốt đêm mà sáng hôm sau thi vẫn quên? Kì ghê á, sao cứ đến gần thi mình học mới vô?
Bình tĩnh nào, tụi mình sẽ có cách!!! Cùng Psygital ghi nhớ ngay 6 mẹo dưới đây để tụi mình vượt qua kì thi này thật “xịn” nhé:
1. Suy nghĩ theo hướng tích cực
Tâm lý là yếu tố vô cùng quan trọng, đôi khi còn mang tính quyết định đến kết quả thi cử. Vì vậy, chúng ta cần giữ cho mình những suy nghĩ thật tích cực. Bớt trầm trọng hóa điểm số cũng là một trong những cách giúp các bạn, giảm áp lực cho mình, thoải mái hơn khi đối diện với các bài thi. Biết rằng trong kỳ thi điểm là số rất quan trọng nhưng đừng đặt mục tiêu điểm số quá cao so với năng lực của bản thân. Hãy cứ thoải mái và chỉ cần tự nhủ làm bài hết khả năng, cố gắng hết mình là được.
2. Hít thở sâu trước khi làm bài
Hít thở sâu là một trong những cách tốt nhất để giảm căng thẳng trong cơ thể của bạn. Khi chúng ta hít thở sâu, não bộ của chúng ta sẽ nhận được một thông điệp khiến cơ thể bình tĩnh và thư giãn. Sau đó, bộ não sẽ gửi thông điệp này đến toàn bộ cơ thể. Những điều xảy ra khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, chẳng hạn như nhịp tim tăng, thở nhanh và huyết áp cao, tất cả đều giảm khi bạn hít thở sâu để thư giãn. Hãy lưu ý, cách bạn thở ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của chính bạn.
Nếu bạn cảm thấy mình mất phương hướng trong kỳ thi thì hãy ngồi xuống một lúc, cảm nhận sự chuyển động của hơi thở và thử hít thở sâu 5 lần nhé!
3. Đừng quên chuẩn bị nước
Nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, thiếu nước có thể làm tăng mức độ Cortisol - hormone gây căng thẳng. Toàn bộ các cơ quan trong cơ thể cần lượng nước cao, khi cơ thể bị mất nước, quá trình trao đổi chất bị xáo trộn và gây ra căng thẳng. Vì vậy, hãy chuẩn bị một chai nước lọc để đem vào phòng thi, nhấp một ngụm nhỏ khi thấy “run”. Lưu ý, để tránh những rắc rối không cần thiết, hãy lột bao bì, nhãn mác chai nước trước khi đem vào phòng thi nhé!
4. Thư giãn trước ngày thi và nhớ đi ngủ sớm
Đêm cuối trước ngày thi không phải thời gian thích hợp để học bài. Đây là việc bạn cần làm trong cả tháng, cả tuần trước đó. Cố sức “học nhồi” thật khuya có thể chỉ khiến những kiến thức trong đầu bạn bị xáo trộn, thậm chí gây áp lực khiến bạn không tài nào chợp mắt được nữa. Nếu vẫn quá lo lắng, bạn có thể đọc lướt lại một cách tổng quan các ghi chép của mình, nhớ là đọc lướt thôi nhé!
5. Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, dụng cụ và đến phòng thi sớm
Để tránh tình trạng “vắt chân lên cổ”, hoảng loạn vì nhận ra thiếu cái này hụt cái kia, bạn nên chuẩn bị mọi thứ từ tối hôm trước. Kiểm tra lại số báo danh, phòng thi, thay ngòi bút chì, bổ sung thêm 2 -3 cây bút bi cùng màu mực để dự phòng, kiểm tra pin máy tính, ủi sẵn đồng phục.. Hãy đảm bảo là bạn đã hoàn tất những việc này trước khi lên giường đi ngủ vào buổi tối trước ngày thi nhé! Một sự chuẩn bị tươm tất sẽ cho bạn tâm thế tốt nhất để bước vào buổi thi quan trọng.
6. Đừng bỏ bữa sáng
Có câu nói rằng “Bữa sáng ăn cho mình, bữa trưa ăn cho bạn, bữa tối ăn cho thù”. Điều này có nghĩa buổi ăn sáng là buổi ăn quan trọng và ý nghĩa nhất trong một ngày. Không chỉ đóng vai trò giúp cơ thể lấy lại năng lượng sau một đêm ngủ dài mà còn giúp chúng ta tăng cường trí nhớ và sự tập trung của trí não cho ngày mới. Đây là điều mà chúng mình vô cùng cần vào ngày thi. Vì vậy, hãy nhớ thức dậy sớm vào ngày thi và dành thời gian cho bữa sáng nhé!
Hãy chọn một bữa sáng lành mạnh, quen thuộc để chắc chắn rằng bạn sẽ không bị đau bụng, khó chịu hay nôn nao khi đang ngồi trong thi. Lưu ý hạn chế những món ăn có thành phần chính từ bột mỳ như bánh quy, bánh xốp hay bánh rán,...hệ tiêu hoá của bạn phải dành nhiều thời gian để tiêu hoá chúng, từ đó làm giảm khả năng tập trung của bạn trong lúc thi.
Nguồn: Psygital