Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao một người lại dành hàng giờ để đi công kích, chống phá người khác? Tại sao một người trông có vẻ rất “hiền lành”, “thân thiện”, “dễ chịu” ngoài đời lại có thể trở thành “kẻ bắt nạt” trên môi trường trực tuyến? Có những “dấu hiệu” nào giúp ta nhận ra ai đó đang có xu hướng trở thành “kẻ bắt nạt”?
Góc nhìn từ Đề tài KH&CN cấp Bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo:“Xây dựng và đánh giá kết quả Chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh Việt Nam” của Thạc sĩ Tâm lý Mai Mỹ Hạnh sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những biểu hiện hành vi của người bắt nạt trực tuyến!
Về biểu hiện bên ngoài
Sau khi nghiên cứu các đặc điểm hình thức chung của hành vi bắt và đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh, người nghiên cứu xin được liệt kê các biểu hiện bên ngoài của hành vi bắt nạt trực tuyến ở học sinh như sau:
- Đưa một tin nhắn, hình ảnh hoặc một đoạn phim không hay về ai đó lên mạng.
- Gửi tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội (Facebook, Zalo…) có ý chê bai và sử dụng những từ ngữ nhạy cảm (nói thề…) khi nói về một ai đó
- Lập group, hội anti để nói xấu, rêu rao những điều không hay về một người nào đó.
- Nói một tính xấu, hay một điểm mình không hài lòng về một bạn bất kì một cách công khai trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…).
- Chặn, không cho ai đó tham gia nhóm, fanpage trên mạng.
- Bình luận chê bai hoặc sử dụng nút “phẩn nộ” với bài viết của ai đó trên mạng xã hội.
- Đăng hình ảnh, clip nhạy cảm (sex, nude…) của bạn lên group, trang cá nhân của bạn.
- Đăng những bài viết lên mạng xã hội với mục đích đe dọa hay cảnh cáo một bạn nào đó.
- Lừa dối, đánh cắp mật khẩu, tài khoản một bạn nào đó để lấy thông tin của họ và đưa lên mạng xã hội.
- Từng đặt tên, biệt danh xấu về một ai đó trong các bình luận trên mạng và tin nhắn điện thoại.
- Đặt điều, rêu rao không đúng về một ai đó trên mạng xã hội hoặc bằng điện thoại.
Về biểu hiện bên trong
Cấu trúc tâm lý cá nhân gồm ba mặt suy nghĩ, nhận thức, thái độ và hành vi. Chính vì vậy, biểu hiện hành vi bắt nạt trực tuyến cũng thông qua các mặt này:
- Suy nghĩ/ nhận thức:
Những hiểu biết, quan điểm về hành vi bắt nạt trực tuyến sẽ là khởi nguồn của việc thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến. Sự nhận thức sai lệch cho rằng thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến sẽ gây được sự chú ý của gia đình, bạn bè. Cho rằng mạng xã hội là nơi thể hiện quyền ngôn luận, việc đăng những điều không hay về một ai đó để hù dọa, thể hiện quan điểm cá nhân, giúp đỡ người khác tránh mắc sai lầm của mình. Sự đánh giá chưa đúng đắn về hành vi này dẫn đến những suy nghĩ cho rằng bắt nạt trực tuyến ai đó là chuyện bình thường. Chính những điều này đã dẫn đến hành vi bắt nạt trực tuyến và để lại hậu quả khôn lường.
- Tình cảm/ thái độ:
Thái độ hài lòng hay không hài lòng, yêu mến hay ghét bỏ, trân trọng hay từ chối bản thân mình là yếu tố quan trọng trong sự cách cư xử đối với người khác. Chính vì vậy, thái độ tiêu cực của chính bản thân người bắt nạt sẽ kìm hãm sự phát triển nhân cách, gây ra những hành vi khiến người khác tổn thương nghiêm trọng. Những cảm xúc buồn chán, hụt hẩng khi không gửi tin nhắn trêu chọc, nói không hay về bạn bè. Những cảm xúc âm tính như tức giận và muốn xả cơn tức giận với ai đó trên mạng xã hội và cảm thấy những hành động gán ghép tên bạn bằng những biệt danh xấu chỉ là đùa vui, không có vấn đề gì. Nhất là những cảm xúc vui vẻ, khi mình cảm thấy mình vừa trừng trị thích đáng một người khác trên mạng xã hội. Những cảm xúc này đã góp phần không nhỏ dẫn đến hành vi bắt nạt trực tuyến.
- Ý chí:
Sự không kiểm soát được ý chí bản thân, tự nói với bản thân không nên thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến những không làm được, không thể từ chối lời mời rủ rê, lời mời tham gia vào nhóm trực tuyến, trang thông tin hoặc bình luận những điều xấu, không hay nhằm mục đích trêu chọc, bêu xấu bạn học. Việc chưa nhận thức rõ ràng và sự tự ý thức mặc dù đã phát triển nhưng suy cho cùng ở độ tuổi này các em vẫn chưa nhận thức được rõ ràng và dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan cũng là một góp phần không nhỏ dẫn đến hành vi bắt nạt trực tuyến.
Trong phạm vi đề tài, hai cách tiếp cận trên đều được triển khai, tuy nhiên cách tiếp cận theo cấu trúc tâm lý sẽ phù hợp hơn khi đặt trong mối quan hệ với các đặc điểm tâm lý lứa tuổi ở học sinh.
Nguồn: "Xây dựng và đánh giá kết quả Chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh Việt Nam" - Đề tài KH&CN cấp Bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo