Hành vi bắt nạt trực tuyến có phải chịu trách nhiệm pháp lý không? Với thực trạng rằng bắt nạt trực tuyến đã và đang trở thành một vấn nạn đáng quan tâm của xã hội, đây là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm!
Quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của luật an ninh mạng 2018
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngày càng nhiều các đạo luật và các chính sách pháp luật được xây dựng và hoàn thiện để làm giảm thiểu và ngăn chặn vấn nạn bắt nạt trực tuyến. Tại Việt Nam, cùng với sự ra đời của Luật An ninh mạng năm 2018, có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2019 đã chứng tỏ rằng Nhà nước đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề này và có những cách giải quyết đối với vấn nạn trên. Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau:
- 1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
- 2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
- 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.
- 4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
- 5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.
Các cá nhân, tổ chức có các hành vi quy định tại Luật này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật An ninh mạng đã có quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, có quy định chống các thông tin mạng có nội dung làm nhục, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đó là những động thái rất cần thiết để tạo ra một môi trường mạng an toàn hơn cho mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý... tránh được những rủi ro kiểu như bị bắt nạt trên mạng.
Trước đó, Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 cũng quy định rõ "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" (Điều 54). Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
(còn nữa)
Nguồn: Baotintuc.vn| luatvietnam.vn| laodong.vn| unicef.org