“Ahuhu, mình vừa mới học công thức toán hôm trước hôm sau đã quên rồi”, “Sao nhiều bạn nhìn tờ đề cương toàn chữ là chữ mà học thuộc lòng được, mình toàn phải vẽ ra mới nhớ được, kì ghê á!”“Sao nhỏ bạn mình học được ở ngoài quán cà phê nhỉ, ồn quá trời, mình phải ngồi chỗ nào thiệt yên tĩnh mới học vô!!”
Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, bộ não có thể quên đi đến hơn một nửa những gì mà mình vừa học được. Trong khi đó, nếu thời gian là một tuần, những gì bạn còn nhớ chỉ còn khoảng 20%. Để có một trí nhớ thật "xịn", học tập thật hiệu quả, việc đầu tiên là xác định xem não bộ của mình "ưa thích", ấn tượng với loại thông tin nào nhất: Âm thanh, Hình ảnh, Động tác hay Từ ngữ? Từ đó xác định dạng trí nhớ và cách học phù hợp với chúng mình! Mùa thi cử đã đến rồi, cùng Psygital “bỏ túi” bí kíp học nhanh nhớ sâu hiệu quả theo các dạng trí nhớ nhé!
Trí nhớ của bạn thuộc dạng nào?
Trí nhớ âm thanh
Nếu bạn dễ dàng ghi nhớ những gì bạn nghe thấy được, như: cuộc đối thoại, lời giảng của thầy cô, lời bài hát,… có thể bạn có trí nhớ âm thanh.
Trí nhớ hình ảnh
Nếu sau khi nhìn thật lâu vào một sự vật, bạn có thể hiểu và nắm bắt thông tin từ sự vật đó một cách nhanh chóng, ví dụ: khi bạn nhìn lâu vào một tấm biển hiệu quảng cáo, bạn dễ dàng ghi nhớ những dòng thông tin cũng như màu sắc trên tấm biển hiệu đó. Có thể bạn là người có trí nhớ hình ảnh, tức là ghi nhớ qua thị giác.
Trí nhớ vận động
Nếu bạn học và ghi nhớ tốt nhất khi bạn cử động tay, hoặc chạm vào để bạn cảm thấy được sự hiện hữu của thứ mà bạn muốn ghi nhớ, đặc biệt là bạn có năng khiếu về nghệ thuật, nấu ăn, xây dựng,.. thì có thể bạn là người có trí nhớ vận động.
Trí nhớ từ ngữ - logic
Nếu bạn là người có trí nhớ loại này, vậy bạn có khả năng ghi nhớ tốt những thứ bạn đọc.
Tips ghi nhớ hiệu quả theo các dạng trí nhớ
Giờ thì bạn đã xác định được trí nhớ của mình thuộc dạng nào rồi chứ? Cùng Psygital “bỏ túi” những mẹo ghi nhớ hiệu quả theo từng dạng trí nhớ nhé!
Trí nhớ âm thanh
Đối với loại trí nhớ này, việc bạn cần làm để cải thiện trí nhớ là:
Đọc to và lặp đi lặp lại: Đây chính là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Bạn hãy đọc bài lần thứ nhất nhưng chỉ 1 đoạn ngắn hoặc 1 vài câu đầu, sau đó không nhìn vào bài và nói to những gì mình mới được đọc cho đến khi nhớ. Tiếp tục đọc lại lần thứ 2 nhưng lần này đọc nhiều hơn, thêm vài câu hoặc thêm 1 đoạn nữa. Tiếp tục lặp lại như vậy cho đến hết bài.
Ghi âm: Một cách khác giúp bạn ghi nhớ lâu hơn đó là thu âm lại những gì bạn đã học thuộc và khi đi ngủ thì nghe lại. Cách này sẽ giúp bạn củng cố lại trí nhớ và những kiến thức đã học sẽ in sâu hơn vào trong đầu bạn. Nếu bạn có thể và nếu được cho phép thì bạn có thể ghi âm hoặc thu hình bài học của mình. Sau khi kết thúc buổi học, hãy mở ra nghe lại 2-3 lần, ít hay nhiều bạn cũng sẽ ghi nhớ được một số kiến thức mới.
Trí nhớ từ ngữ - logic
Lặp lại một lần nữa và viết ra tờ giấy: Viết thêm những câu hỏi mặt sau của tờ giấy, bạn có thể chú thích, vẽ hình,…
Kiểm tra: Sau khi cảm thấy mình đã nhớ được rồi thì bạn có thể kiểm tra bằng cách trả lời câu hỏi mà không cần nhìn mặt kia.
Học nhóm: Bạn có thể tìm thêm bạn để học cùng và sau đó 2 người kiểm tra nhau, hoặc để thoái mái hơn thì là bạn bày cho người đó những gì bạn đã học và người đó cũng bày lại bạn nhưng có thể mỗi người đều có những cách diễn giải khác nhau nên sẽ bổ sung những thiếu sót.
Trí nhớ vận động
Không gian học: Bạn cần một nơi để bạn có thể di chuyển xung quanh.
Sáng tạo trong cách học: Cố gắng tạo ra hoặc tưởng tượng những bài học cần nhớ là như thế nào, bắt chước từng chi tiết của bài học. Ví dụ: bạn muốn ghi nhớ một bài thơ, hãy thử minh họa cho bài thơ đó bằng một vài điệu nhảy, hay vẽ minh họa nội dung bài thơ đó ra giấy.
Trí nhớ hình ảnh
Khi trí nhớ của bạn là trí nhớ hình ảnh, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Không gian yên tĩnh: Bạn cần phải ở nơi mà không có sự tác động hoặc làm phiền nào. Tránh ngồi gần TV, máy tính hoặc bất cứ thứ gì có thể thu hút ánh nhìn của bạn.
Tô màu: Bạn có thể sử dụng bút highlight để tô màu những điểm chính cần ghi nhớ.
Đặt các tờ giấy cần ghi nhớ ở nơi bạn thường thấy nhất: Ví dụ, ngay góc học tập, cửa ra vào, cửa tủ lạnh, trên bàn hoặc bất cứ nơi nào để bạn có thể dễ dàng bắt gặp thấy chúng và việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn.
Nguồn: Chiasewiki