2. Cấu trúc của kỹ năng quản lý cảm xúc
Thứ hai là khả năng tự điều khiển cảm xúc
Bao gồm điều khiển cảm xúc đúng mức độ và đúng đối tượng. Khi một cảm xúc tiêu cực nào đó xuất hiện, nếu chủ thể biết cách quản lý để nó nằm trong “vùng kiểm soát” và hướng đến đúng đối tượng thì sẽ tránh được những hậu quả tiêu cực và ngược lại.
Khả năng điều khiển cảm xúc đúng mức độ
Về khả năng điều khiển cảm xúc đúng mức độ có liên hệ với tính tự chủ ý chí. Một người có khả năng tự điều khiển cảm xúc có nghĩa là không để cảm xúc ấy gây ra những hành động làm ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ bản thân.
Họ có thể vẫn thể hiện cho người khác biết là mình đang có những cảm xúc tiêu cực để người kia hiểu, đồng cảm hoặc không tiếp tục có những hành vi gây cho chủ thể cảm xúc tiêu cực (trong trường hợp người kia trực tiếp gây nên cảm xúc tiêu cực cho chủ thể).
Để làm được điều này không phải là đơn giản, bởi khi con người là có những cảm xúc tiêu cực, nhất là cảm xúc giận dữ thì thường sẽ kéo theo những lời nói và hành động không hay, có thể làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác. Do vậy, đòi hỏi chủ thể phải có tính tự chủ của ý chí rất cao thì mới có thể điều khiển cảm xúc của mình nằm trong vùng kiểm soát.
Khả năng điều khiển cảm xúc đúng đối tượng
Là khả năng mà chủ thể của cảm xúc biết cách hướng cảm xúc của mình đến những đối tượng phù hợp. Theo nghiên cứu của Davidoff, khi cá nhân để cảm xúc vượt mức kiểm soát, họ thường di chuyển cảm xúc của mình sang những đối tượng liên quan hoặc không liên quan đến nguyên nhân gây ra cảm xúc đó. Kể cả khi cảm xúc nằm ở mức nguy hiểm thì bản thân chủ thể cũng cảm thấy khó khăn trong việc xác định đúng đối tượng gây ra cảm xúc cho mình mà chỉ có mong muốn duy nhất là làm sao để "giải tỏa" cảm xúc của mình mà thôi. Do vậy, họ thường có suy nghĩ sẽ dùng lời nói hoặc hành động để gây tổn thương những đối tượng không liên quan đến cảm xúc của bản thân.
Như vậy, khả năng từ điều khiển cảm xúc có cơ sở là sự tự nhận biết cảm xúc. Muốn điều khiển được cảm xúc, chủ thể phái hiểu về cảm xúc. Để điều khiển cảm xúc đúng đối tượng, trước hết, chủ thể phải điều khiển cảm xúc đúng mức độ. Khả năng này liên quan chặt chẽ đến hành động ý chí của con người.
Để đánh giá về mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc của một chủ thể cần phải dựa trên hai cơ sở chính là mức độ nhận biết về cảm xúc và khả năng điều khiển cảm xúc Một người có kỹ năng quản lý cảm xúc cao là người có khả năng hiểu rõ về những cảm xúc đang tồn tại, hiện diện trong cơ thể mình và điều khiển cảm xúc sao cho vẫn có thể "giải toàn những cảm xúc tiêu cực mà không làm tổn hại đến người khác.
Tác giả: GS.TS. Huỳnh Văn Sơn