Dù bộ não được lập trình để giúp bạn lưu giữ lại những kiến thức học được trong suốt một quãng thời gian dài, nhưng không phải lúc nào cần, bạn cũng có thể nhớ lại được những thông tin đó. Để cải thiện trí nhớ và giúp cho bộ não của bạn tiếp thu nhanh hơn, đừng bỏ lỡ những phương pháp chăm sóc tâm trí, cơ thể và tạo dựng một môi trường làm việc hiệu quả dưới đây nhé!
Phương pháp 1: Sử dụng kĩ thuật ghi nhớ
1. Chia thông tin thành nhiều phần nhỏ
Chia thông tin thành nhiều phần nhỏ giúp não dễ dàng xử lí và ghi nhớ hơn. Thay vì cố gắng ghi nhớ toàn bộ một chương trong sách giáo khoa, hãy tập trung vào một phần ngắn hoặc những thông tin chính.
Ví dụ, nếu bạn đang học từ vựng trong lớp ngoại ngữ, đừng cố gắng nhớ 7-8 từ cùng lúc. Nếu bạn phải học hết một cuốn sách giáo khoa, hãy học theo "sườn" của cuốn sách. Cụ thể, các chương sách giáo khoa thường được chia thành các phần nhỏ, mỗi phần đều cung cấp một lượng thông tin vừa đủ, có thể dễ dàng ghi nhớ được. Tập trung hiểu và ghi nhớ một phần trước khi chuyển sang phần tiếp theo.
2. Thay đổi các chủ đề khác nhau
Việc luân phiên thay đổi chủ đề môn học có thể giúp não phân chia thông tin một cách hiệu quả, giúp bộ não của bạn không bị "phát hoảng" khi cố gắng nhớ quá nhiều về một chủ đề (hoặc 2 chủ đề rất giống nhau) cùng một lúc. Ngoài ra, thay đổi chủ đề giúp bạn đỡ buồn chán.
Ví dụ, hãy ghi nhớ một bài thơ, sau đó chuyển sang học một số quy tắc đại số. Hãy thử dành khoảng 50 phút cho mỗi chủ đề, sau đó nghỉ ngơi khoảng 15 phút trước khi chuyển sang chủ đề tiếp theo. Nghỉ giải lao sẽ tăng năng suất của bạn và giúp bạn tập trung hơn.
3. Ghi chú
Khi nghe giảng trong lớp hoặc đọc bài, hãy viết lại những thông tin quan trọng. Đừng viết tất cả những gì đã nghe hoặc đọc. Thay vào đó, tóm tắt các nội dung chính. Điều đó buộc não của bạn phải xử lí và cô đọng thông tin lại thành những phần trọng tâm.
Nếu có thể, hãy ghi chú bằng bút và giấy. Viết ghi chú bằng tay sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin tốt hơn so với việc gõ trên bàn phím. Nếu bạn thích vẽ nguệch ngoạc trong khi ghi chú, thì xin chúc mừng, các hình vẽ nguệch ngoạc đó có thể giúp bạn tập trung ghi nhớ thông tin hơn.
4. Tự kiểm tra
Khi học xong từng phần trong tài liệu, hãy nghỉ giải lao và tự kiểm tra. Bạn có thể làm điều này bằng cách làm flashcards, viết câu hỏi cho bản thân, hoặc làm phần bài tập trong sách giáo khoa của bạn. Nếu bạn học cùng với một người bạn, hai bạn có thể luân phiên kiểm tra nhau.
Quizlet có thể là một trợ thủ đắc lực giúp bạn tự kiểm tra bài cũ hoặc kiểm tra bài cũ với một người bạn khác. Bạn có thể tạo flashcards của riêng bạn trên ứng dụng này hoặc có thể sử dụng flashcards được chuẩn bị bởi các thành viên khác.
Hãy thử tự hỏi bản thân những câu hỏi cơ bản liên quan đến tài liệu đã học. Ví dụ: “Điểm chính của phần này là gì ?”
Tự đặt câu hỏi và trả lời không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc bạn hiểu bài tốt như thế nào mà còn buộc bộ não của bạn phải làm việc vất vả hơn một chút để ghi nhớ.
5. Lên kế hoạch ôn tập
Khi bạn cố gắng ghi nhớ điều gì đó, việc tiếp xúc nhiều lần đóng một vai trò rất quan trọng. Phương pháp này hoạt động tốt nhất nếu bạn dành cho mình đủ thời gian giữa các lần ôn tập mà bạn bắt đầu quên những gì bạn đã học. Ôn tập sau một thời gian đã trôi qua bằng cách uốn cong kí ức cơ bắp và giúp bạn học ở mức độ sâu hơn.
Khi bạn sắp xếp các lần ôn tập của mình, hãy thử thực hành ôn tập trong một khoảng thời gian ngắn ngay sau đó để nhớ bài luôn, tiếp đó, hãy kéo dài thời gian bắt đầu tái ôn tập để thử năng lực ghi nhớ của chính mình. Ví dụ, nếu bạn mới học được một điều gì đó, hãy ngủ và xem lại một chút vào ngày hôm sau. Tự kiểm tra lại một vài ngày sau đó, và sau đó hãy cách hẳn 1 tuần sau mới thực hành ôn tập lại.
Hãy thử dùng một ứng dụng hẹn giờ học như SuperMemo hoặc Ultimate Study Timer để sắp xếp thời gian học.
6. Tạo tín hiệu ghi nhớ, được gọi là thiết bị ghi nhớ
Một trong những cách dễ nhất để nhớ lại bài học là tạo nên các liên kết kích hoạt các mảng thông tin đó. Điều này có nghĩa là sử dụng từ viết tắt để ghi nhớ thông tin (ví dụ ROY G. BIV cho màu sắc của cầu vồng), sử dụng cách chơi chữ hoặc tạo ra một hình ảnh tượng trưng.
Các thiết bị ghi nhớ phổ biến nhất đang tạo ra các từ viết tắt đại diện cho các từ bạn đang cố nhớ, tạo một câu trong đó chữ cái đầu tiên của mỗi từ đại diện cho những gì bạn đang cố nhớ và sử dụng các vần điệu để nhớ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng liên kết hình ảnh, đặc biệt nếu bạn là người trực quan.
Âm nhạc cũng là một công cụ có khả năng kích hoạt "bộ nhớ" của não bộ, vì vậy việc cài thông tin vào các giai điệu có thể rất hữu ích. Ví như hiện nay, có vô số thế hệ trẻ em đã được dạy bảng chữ cái ở dạng bài hát!
Các tín hiệu ghi nhớ của bạn phải thật sự dễ hiểu. Trong thực tế, càng kỳ cục và càng cụ thể thì càng tốt. Ví dụ, bạn đang cố gắng nhớ từ hepomai (“to follow”) của người Hy Lạp cổ, bạn có thể vẽ hình một chú mèo đang hát “I’m hep! Oh my! Everybody follow me!”
7. Giải thích cho người khác
Dạy học là một trong những cách tốt nhất để học. Để có thể giải thích điều gì đó, bạn phải có khả năng tự hiểu nó. Bạn phải tóm tắt và diễn đạt theo cách rõ ràng và dễ hiểu cho người khác, và làm như vậy có thể giúp bạn tiếp thu và hiểu bài hơn.
Phương pháp 2: Hình thành các thói quen tốt
1. Dành nhiều thời gian cho bản thân
Nếu bạn thực sự muốn rèn luyện một trí nhớ lâu dài, bạn cần dành nhiều thời gian để hiểu, xử lý và ôn tập lại thông tin. Hãy dành ra ít nhất một vài tuần để học trước khi thi. Nếu bạn cố gắng nhồi nhét vào phút cuối, bạn khó có thể nhớ lại những gì bạn đã học, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và quá tải thông tin.
2. Ngủ
Hầu hết mọi người cần 7-9 giờ ngủ mỗi đêm để có một trạng thái tinh thần tốt nhất. Ngủ đủ giấc không chỉ cung cấp cho bạn năng lượng và giúp bạn tập trung mà còn có thể giúp bạn học và ghi nhớ. Não của bạn xử lý thông tin mới trong khi bạn ngủ, bạn có thể hiểu được những khái niệm khó chỉ sau một giấc ngủ ngắn hoặc một đêm ngon giấc.
Để có được 1 giấc ngủ hiệu quả, bạn nên:
- Ngủ trưa không quá 20-30 phút.
- Tránh sử dụng các chất kích thích, chẳng hạn như caffeine hoặc nicotine, 4 - 6 tiếng trước khi đi ngủ. Uống nhiều hơn 1-2 loại đồ uống có cồn vào buổi tối cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
- Tập thể dục ít nhất 10 phút mỗi ngày để cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.
- Tránh ăn bữa đêm vì có thể gây ợ nóng hoặc khó tiêu, chẳng hạn như thức ăn cay, có tính axit hoặc chất béo.
- Xây dựng một thói quen ngủ đủ giấc đều đặn. Đặt máy tính hoặc điện thoại ra xa, tập thiền hoặc giãn cơ, tắm qua bằng nước ấm. Bạn cũng có thể thử đọc sách để giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn. Dành khoảng 30 phút trước khi đi ngủ mỗi đêm để thư giãn.
3. Ăn uống đầy đủ, khoa học
Ăn uống lành mạnh có thể cung cấp cho bạn năng lượng để tập trung và ghi nhớ thông tin lâu hơn. Hãy tích cực ăn các loại thực phẩm giàu protein (cá, thịt nạc và rau xanh), ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, và thực phẩm có chất béo lành mạnh (như dầu thực vật, cá và các loại hạt); kết hợp uống nước đều đặn trong suốt cả ngày.
Một số chất béo lành mạnh, như DHA, thực sự có thể cải thiện trí nhớ của bạn. Hãy ăn nhiều cá, hoặc bổ sung dầu cá để có thêm DHA trong chế độ ăn uống.
4. Nghỉ giải lao
Nếu bạn cố ép bản thân học quá lâu, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, hoặc thấy đầu óc mình khó có thể duy trì độ tập trung. Để có thể học tập một cách hiệu quả hơn, hãy thử học một giờ mỗi lần. Nghỉ 5-15 phút giữa các buổi học để ăn nhẹ, duỗi chân hoặc gục đầu xuống chợp mắt một tí.
Phương pháp 3: Tìm môi trường học tập tốt
1. Tìm không gian học tập thoải mái
Nếu bạn không cảm thấy thoải mái, bạn sẽ khó tập trung vào những gì bạn đang học. Tìm một không gian gọn gàng, riêng tư, thoải mái, và đủ rộng rãi. Nếu không gian ưa thích của bạn không có một chiếc ghế thoải mái, hãy cân nhắc mang theo chiếc đệm riêng của bạn.
2. Giữ yên tĩnh
Rất khó để tập trung khi xung quanh bạn có quá nhiều tiếng ồn. Tìm một nơi khiến bạn không bị phân tâm bởi những cuộc trò chuyện của người khác, tiếng ồn từ công trình đang thi công dở hoặc tiếng nhạc của người khác. Nếu bạn có thể, hãy bật một chút nhạc nền yên tĩnh, không gây mất tập trung để giúp giảm bớt tiếng ồn khó chịu.
Nếu bạn ở cùng nhiều người khác, chẳng hạn như gia đình hoặc bạn cùng phòng, hãy cho họ biết trước rằng bạn cần phải ở một mình trong một khoảng thời gian nhất định trong khi bạn học.
3. Đảm bảo môi trường đủ ánh sáng
Đèn mờ hoặc nhấp nháy có thể làm bạn mất tập trung và khó nhìn thấy những gì bạn đang học. Nếu bạn đang học vào ban ngày, hãy chọn một nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên. Đối với việc học vào ban đêm, hoặc nếu bạn không muốn ngồi gần một cửa sổ đầy nắng, hãy tự sắm cho mình một chiếc đèn bàn nhé.
4. Tránh xa những phiền nhiễu hấp dẫn
Bạn sẽ dễ dàng mất tập trung khi thường xuyên truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội, trò chơi hoặc những yếu tố giải trí khác trong khi bạn học. Cố gắng làm việc trong phòng không có TV, hoặc ít nhất là tắt TV trong khi bạn đang học. Nếu bạn có thể, hãy tắt điện thoại hoặc đặt nó ở chế độ máy bay để làm giảm ham muốn được truy cập vào mạng xã hội. Nếu bạn làm việc trên máy tính của mình, hãy thử sử dụng một tiện ích trình duyệt giúp gia tăng năng suất làm việc như Stay Focused để khỏi bị phân tâm bởi các trang web khác.
5. Không học trên giường
Nếu bạn trở nên quá thoải mái, bạn sẽ phải chịu sự "cám dỗ" từ những cơn buồn ngủ. Nếu bạn là kiểu người dễ cảm thấy buồn ngủ, tốt nhất nên tránh học trên một chiếc ghế dài hoặc trên một chiếc ghế bành ấm cúng. Thay vào đó, hãy ngồi ở bàn làm việc.
Nguồn: Tomo - Learn Something New | Lê Thị Tươi dịch