5. Một số hình thức thể hiện sự động viên
Lời khen ngợi
Khen ngợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy con người không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân. Những người thành công biết dùng lời khen biểu lộ sự thân thiết để khuyến khích, khẳng định giá trị của người khác và rất ít khi nói những câu chán nản. Biết cách khen ngợi, phát huy sức mạnh của lời khen đúng lúc và chân tình chính là thể hiện sự tôn trọng người khác một cách tỉnh tế nhất. Một số quy tắc cơ bản khi đưa ra lời khen để động viên:
– Quy tắc 1. Lời khen tránh làm tổn thương một đối tượng khác: Tránh khen một ưu điểm của cá nhân này nhưng nó lại thuộc một khuyết điểm của cá nhân khác đang đồng thời đứng bên cạnh. Hành động này không chỉ làm cho người thứ ba tổn thương mà cả chính người nhận lời khen cũng không cảm thấy thoải mái. Điều này đồng nghĩa với việc sự động viên mất đi giá trị và nguy cơ có thể dẫn đến sự mất lòng tin hoặc đổ vỡ các mối liên kết, gắn kết cá nhân.
– Quy tắc 2. Làm cho đối tượng tin vào lời khen: Đối tượng chỉ tin vào lời khen khi nội dung khen ngợi và khích lệ phủ, với năng lực thực sự mà họ có. Chẳng hạn như với một người không khiếu âm nhạc. Nếu một ai đó nói rằng thích giọng hát của họ. Lẽ đương nhiên, đối tượng sẽ biết đó là những lời không thật tình. Cần biết rằng, cá nhân có thể xác định được sự thiếu chân thật trong lời khen ngợi và thậm chí sẽ cảm thấy mất thể diện nếu khen ngợi diễn ra một cách thái quá trước một đối tượng khác. Vì vậy cá nhân cần lưu ý, nên khen ngợi theo kiểu thừa nhận chính xác khả năng và việc làm của đối phương, đừng tán dương quá mức.
Khen ngợi là một cách để đối tượng nhận ra mình đã làm được những gì, chưa làm được gì và mình cần phải cố gắng như thế nào để đáp ứng đúng với sự yêu thương và mong đợi đó của người động viên.
– Quy tắc 3. Khen ngợi với một mức độ nhất định: Quy luật chai sạn của tình cảm thể hiện trong sự động viên là nếu đối tượng thường xuyên tiếp nhận lời khen ngợi thì sự động viên không còn giá trị. Những lời khen đặc biệt chỉ nên sử dụng một lần, không nên lập đi lập lại có thể khiến đối tượng tự mãn hoặc bất đồng mang tính phản ứng với sự động viên quá mức.
Sử dụng cử chỉ phi ngôn ngữ để động viên
Sự động viên sẽ hiệu quả hơn khi lời nói được kết hợp với sự biểu lộ cảm xúc, biểu lộ cái tôi thông qua sự biểu cảm ở khuôn mặt. Những trạng thái khác nhau biểu cảm trên khuôn mặt không chỉ giúp bản thân tự tin hơn mà quan trọng là giúp đối tượng cảm nhận sự nhiệt tình và tình cảm chứa đựng trong sự động viên.
Trong động viên, một điều không nên bỏ qua cũng thuộc về yếu tố phi ngôn ngữ, đó chính là âm lượng của những lời động viên. Âm lượng giọng nói của bạn có thể truyền đạt được một lượng lớn thông tin, thể hiện sự nhiệt tình hay thờ ơ của bạn. Hãy chú ý xem âm lượng của lời động viên tác động thế nào tới phản ứng của người khác đối với bạn và cố gắng sử dụng âm lượng của giọng nói để nhấn mạnh những ý tưởng mà bạn muốn diễn đạt. Ví dụ nếu bạn muốn khen ngợi, khích lệ một thành công mà đối tượng vừa đạt được thì sử dụng một giọng nói sôi nổi.
Động viên bằng phần thưởng vật chất hay các điều kiện liên quan đến nhu cầu cá nhân đang mong đợi
Con người vừa có tính đồng nhất vừa có tính duy nhất nên việc chăm sóc phải xuất phát từ nhu cầu và sở thích của từng cá nhân sao cho phù hợp với đối tượng. Đặc biệt trong việc động viên thì việc hiểu được nhu cầu con người để có cách động viên phù hợp là điều cần thiết. Con người cá nhân hay con người trong tổ chức chủ yếu hành động theo nhu cầu. Chính sự thoả mãn nhu cầu làm họ hài lòng và khuyến khích họ hành động.
Đồng thời việc nhu cầu được thỏa mãn và thỏa mãn tối đa là mục đích hành động của con người. Theo cách xem xét đó, nhu cầu trở thành động lực quan trọng và việc tác động vào nhu cầu cá nhân sẽ thay đổi được hành vi của con người.
Tác giả: GS.TS. Huỳnh Văn Sơn