1. Tâm lý chấn thương do những ám ảnh dịch bệnh
Theo như ghi nhận từ Agility PR thì từ khi dịch bệnh bắt đầu lây lan trên diện rộng đã có 18% dân số thế giới có gia đình và bạn bè bị ảnh hưởng, với 5% trong số đó có người thân mất vì đại dịch. Covid-19 đã khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp, hàng tỷ người bị cách ly, có khoảng 22% người đã được ghi nhận nói rằng họ đang trải qua cảm giác bất an khi phải trong nhà và có 19% lo lắng về kinh tế, họ thuộc những người trẻ từ 18-24 tuổi.
Từ đó kéo theo sau là những ám ảnh để lại trong tâm lý con người khi sống trong hoang mang và lo sợ do chứng kiến quá nhiều sự kiện bi thương của nhân loại. Chưa kể còn là việc hằng ngày tiếp nhận truyền thông đưa tin với vô số điều tiêu cực, bao gồm những tin chính thống và tin giả. Bên cạnh đó, việc mất đi sự kết nối cũng là nguyên nhân chính cho những chấn thương tâm lý.
2. Phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ
Ảnh hưởng của dịch bệnh lại là nguồn thu lợi nhuận khổng lồ cho hàng loạt các ứng dụng kết nối từ xa, bởi đây lại là công cụ duy nhất và hiệu quả để tiếp tục duy trì công việc, học tập của mọi người. Vấn đề còn là nhu cầu về giải trí hay kết nối các mối quan hệ càng gia tăng hơn nữa trong bối cảnh mà những điều này trở nên bị hạn chế do dịch bệnh.
Tuy nhiên, vấn đề lại tạo nên rủi ro khá lớn với những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người khi thường xuyên tiếp xúc với công nghệ và Internet. Sự nhiễu loạn thông tin từ các phương tiện truyền thông hay chính những nhu cầu của con người sẽ có thể trở thành nguyên nhân cho những tổn thương tâm lý sau khi cuộc sống "bình thường mới".
3. Những quan điểm tiêu cực về work from home thay đổi
Những ngày đầu khi làm việc tại nhà chắc chắn đa phần đều than phiền bởi sự kết nối hầu như bị gián đoạn, cùng với đó là những yếu tố ngoại cảnh tác động khiến mọi thứ trở nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng trên thực tế hiện nay, sau khi thích nghi và làm việc tại nhà thì một số người lại có cách nhìn nhận tích cực về vấn đề này. Theo ghi nhận thì có khoảng 6% cho biết họ muốn tiếp tục làm việc tại nhà sau khi dịch bệnh kết thúc.
Việc học tập hay làm việc tại nhà vốn vẫn tạo nên được nhiều giá trị khác nhau, nó giúp cho hoạt động được tiếp tục duy trì có hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh, tạo nhiều không gian để cân bằng cuộc sống và công việc khiến năng suất nâng cao. Vì vậy, nó cần được ứng dụng rộng rãi trong nhiều bối cảnh khác nhau và hơn hết là sự chủ động ở mỗi cá nhân tham gia.
4. Có cách chi tiêu hợp lý hơn sau kỳ nghỉ dài hạn
Dù trước hay sau dịch bệnh thì điều này vẫn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người trong cách nhìn nhận vấn đề, nhưng có thể thấy trong những ngày giãn cách và mất việc khiến nhiều người có xu hướng tiết kiệm hơn rất nhiều. Theo ghi nhận thì có khoảng 37% người ưu tiên đáp ứng các nhu cầu cơ bản tại nhà thay vì chi tiêu cho những khoản khác trong cuộc sống.
Song song đó, tình trạng buộc phải ở nhà để đảm bảo an toàn trong suốt mùa dịch cũng đã giúp nhiều người tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho các hoạt động về giải trí hay du lịch tận hưởng. Vì vậy, chính lối sống những ngày vừa qua đã góp phần rèn luyện cho con người những cách thức để chi tiêu hợp lý cho các hoạt động cuộc sống, tiết kiệm nhiều hơn ở tương lai.
5. Trân trọng cuộc sống hàng ngày nhiều hơn
Đó có thể là những chuyện đã qua trong cuộc sống mà đến lúc mọi thứ trở nên dừng hoạt động và con người không còn điều kiện tiếp xúc thì ta mới có dịp nhận ra. Những cuộc hẹn bị hủy bỏ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, các bộ phim buộc ngừng chiều hay thậm chí là lời yêu thương chưa kịp nói với người thân yêu…
Ngoài ra, còn là những giá trị mà con người được nhận ra trong những ngày mà thế giới phải "gồng mình" để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hơn hết là giúp chúng ta biết trân trọng sức khỏe và tính mạng bản thân, yêu thương và san sẻ với những mối quan hệ xung quanh. Đó đôi khi chỉ là những khoảnh khắc trong cuộc sống hằng ngày mà ta vô tình bỏ qua.
6. Thói quen mua sắm cũng bị tác động
Nhóm thứ nhất sẽ có xu hướng vẫn giữ nguyên những kế hoạch về chi tiêu hợp lý sau khi cuộc sống được ổn định, bởi những tác động to lớn đến thu nhập bản thân trong suốt thời gian dài. Họ sẽ dùng những khoản tiền này cho những hoạt động và nhu cầu thật sự cần thiết để bản thân không bị thiếu hụt trong tương lai.Đối tượng thứ hai là nhóm những người "mua sắm trả đũa" sau những ngày bị hạn chế hoạt động, họ sẽ xem đây như cách giải tỏa bản thân khỏi căng thẳng, tận hưởng cuộc sống sau những ngày bị "mắc kẹt" ở nhà. Điều này đâu đó sẽ giúp tâm lý được thoải mái nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính bản thân, có thể sẽ dẫn đến sự không cân xứng trong sinh hoạt hay không đủ chi tiêu trong thời gian tới.
Nguồn: Thương hiệu & Pháp luật