“Cyberbullying” – “Bắt nạt trực tuyến” là gì?
“Cyberbullying” – “Bắt nạt trực tuyến” hay còn được biết đến với tên gọi “bắt nạt qua mạng” được hiểu là hành vi quấy rối, đe dọa, gây bối rối tổn hại tới người khác - thường là ẩn danh - thông qua tin nhắn, nhận xét hoặc bất kỳ hình thức giao tiếp nào có liên quan đến Internet.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) định nghĩa bắt nạt trên mạng là “bắt nạt khi sử dụng những công nghệ kỹ thuật số” và có thể “diễn ra trên mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng trò chơi và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích gây sợ hãi, tức giận hoặc làm xấu hổ những người bị nhắm tới”.
Bắt nạt trực tuyến khác gì so với hình thức bắt nạt thông thường?
Mặc dù về cơ bản, bắt nạt trực tuyến khá giống với hình thức bắt nạt thông thường, nhưng bạn có thể dựa vào một số đặc điểm dưới đây để lưu ý:
• Nạn nhân của bắt trực tuyến thường không biết danh tính của những kẻ bắt nạt mình hoặc vì sao những kẻ đó lại nhắm vào họ.
• Sự quấy rối này có thể có những tổn hại và ảnh hưởng lớn hơn so với bắt nạt truyền thống, vì nội dung được dùng để làm phiền nạn nhân có thể được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi hơn rất nhiều.
• Nạn nhân đôi lúc còn tiếp xúc với những sự quấy rối này bất cứ khi nào họ lên mạng hoặc mở điện thoại, máy tính để kiểm tra tin nhắn, email… không như bắt nạt thông thường kẻ bắt nạt thường xuyên phải ở một khoảng cách vật lý nào đó gần với nạn nhân.
Những hành vi bắt nạt trực tuyến nào thường gặp nhất?
• Gửi những thông điệp hoặc tin nhắn có nội dung xấu tới email hoặc điện thoại di động tới một ai đó.
• Phát tán những tin đồn nhảm, có tính chất xúc phạm và làm nhục qua mạng.
• Gửi những tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa lên các trang mạng xã hội hoặc các trang web/blog.
• Lấy những bức hình/clip riêng tư hoặc không được đẹp của một ai đó rồi lan truyền qua Internet và mạng xã hội.
• Làm giả một ai đó khác trên mạng để làm tổn thương người khác.
• Lấy trộm thông tin cá nhân của ai đó rồi lẻn vào tài khoản của họ để phá hoại hoặc gửi những thông điệp gây hại.
• Nhắn tin gợi dục (mà chưa có sự đồng thuận) hoặc lưu hành những hình ảnh hoặc tin nhắn khêu gợi tình dục về một ai đó.
Nạn nhân của bắt nạt trực tuyến thường có những dấu hiệu gì?
Các hành vi bắt nạt lặp đi lặp lại để lại những cảm xúc tiêu cực cho chính nạn nhân. Biểu hiện của nạn nhân sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Thậm chí, một số trường hợp có thể phải đối mặt với những ảnh hưởng tâm lý do Cyberbullying gây ra. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết nạn nhân của bắt nạt trực tuyến:
1. Tâm trạng khó chịu, bực dọc, chán nản, tức giận,…
Với những hành vi đe dọa nặng nề, nạn nhân thường có phản ứng chung là sợ hãi, bi quan và buồn bã. Tuy nhiên cũng có những trường hợp trở nên hoảng loạn và mất kiểm soát.
Các hành vi đe dọa thường lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Do đó, nạn nhân có thể phải đối mặt với các cảm xúc tiêu cực dai dẳng dẫn đến tình trạng giảm năng lượng, uể oải, stress và suy nhược.
2. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Một số người sẽ có sự thay đổi trong cách sinh hoạt, ăn uống như không hoạt bát, vui vẻ như trước, hay buồn rầu, chán ăn hoặc ăn uống quá mức.
3. Né tránh hoặc dành nhiều thời gian quá mức cho các thiết bị điện tử, các trang mạng xã hội
Dành nhiều thời gian cho các nền tảng mạng xã hội để theo dõi hành vi đe dọa, công kích vì lo sợ danh dự của bản thân sẽ bị bôi nhọ. Tuy nhiên, cũng có những người quá sợ hãi và từ bỏ mạng xã hội để không phải chứng kiến những bài đăng, bình luận ác ý về bản thân.
4. Giảm hiệu suất học tập, làm việc
Ban đầu, các cảm xúc tiêu cực từ những hành vi đe dọa chỉ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên về lâu dài, các hành vi này có thể làm giảm hiệu suất lao động – học tập và dẫn đến vô số hệ lụy khác.
5. Cố gắng tự làm hại bản thân hoặc đe dọa tự tử
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những trường hợp mà sự bắt nạt được công bố rộng rãi, những cảm xúc tiêu cực, những áp lực và nỗi lo sợ vô hình khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Các chuyên gia nói rằng nạn nhân của bắt nạt trực tuyến (đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên) – và chính những kẻ bắt nạt – có nguy cơ tự sát và cố gắng tự sát ở mức độ cao hơn.
Ranh giới giữa "đùa vui" và "bắt nạt" đôi khi rất mong manh. Một vài lời bông đùa trong thoáng chốc cũng có thể để lại những "vết sẹo" tinh thần lâu dài. Hãy cẩn trọng với sự tiện lợi và những "quyền lực ảo" của internet để luôn là một "netizen" văn minh bạn nhé!
Nguồn: Beautiful Mind VN