Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) còn được gọi là bạo lực mạng – vấn đề hiện đang gây nhức nhối tại bất cứ quốc gia nào trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Đây là một hình thức quấy rối, bắt nạt thông qua các phương tiện điện tử khiến nạn nhân cảm thấy vô cùng sợ hãi và lo lắng.
Trên thực tế, có rất nhiều cách để thực hiện hành vi bạo lực trực tuyến với một người nào đó qua mạng. Trong đó một vài dạng bắt nạt có thể được định hình rõ ràng hơn, bao gồm:
1. Harassment (Quấy rối)
Đề cập đến các hành động như nhắn tin, gửi các thông điệp thô lỗ, công kích nhằm mục đích xúc phạm, lạm dụng hoặc bạo hành. Viết những bình luận hoặc bức hình gây khó chịu, xấu hổ ở trên mạng xã hội hoặc trong các trò chơi điện tử trực tuyến.
2. Flaming (Gây đau khổ)
Cố tình sử dụng các ngôn ngữ công kích để tiến hành các cuộc tranh luận ở trên mạng xã hội. Mục đích là thu hút nhiều người vào cuộc tấn công gây đau khổ cho người khác.
3. Denigration (Phỉ báng)
Gửi các thông tin giả mạo, không đúng sự thật và gây tổn hại cho người khác. Có thể là chia sẻ hình ảnh của người khác với mục đích lan truyền tin xấu và lời thị phi để chế giễu.
4. Impersonation (Mạo danh)
Tình trạng đột nhập vào các tài khoản email hay mạng xã hội hoặc lập các trang giả mạo người khác để đăng gửi các tin khiêu dâm hoặc tài liệu đáng xấu hổ của người bị bắt nạt.
5. Outing and Trickery (Phát tán và lừa đảo)
Chia sẻ các thông tin cá nhân hay lừa đảo nhằm lấy các thông tin bí mật của một người để chuyển tiếp cho người khác bao gồm cả hình ảnh, video, đoạn tin nhắn,…
6. Exclusion (Cô lập)
Hành động cố tình loại bỏ một ai đó ra khỏi nhóm tin nhắn hoặc các nhóm khác trên mạng xã hội, trang mạng chơi game,…
7. Cyber Stalking (Đeo bám trên mạng)
Đề cập đến sự lặp đi lặp lại các hành động như gửi tin nhắn, thông điệp đe dọa, quấy rối để làm tổn thương một người nào đó qua mạng xã hội và các kênh trực tuyến.
Ranh giới giữa "đùa vui" và "bắt nạt" đôi khi rất mong manh. Một vài lời bông đùa trong thoáng chốc cũng có thể để lại những "vết sẹo" tinh thần lâu dài. Hãy cẩn trọng với sự tiện lợi và những "quyền lực ảo" của internet để luôn là một "netizen" văn minh bạn nhé!
Nguồn: Psygital