Khi đến Buenos Aires hồi đầu năm 2010, tôi hầu như không thể gọi món tại một nhà hàng địa phương. Hai năm sau, tôi đã có thể bình tĩnh giải thích các nguyên tắc ngữ pháp tiếng Nga cho người bạn đến từ Guatemala… bằng tiếng Tây Ban Nha.
Giờ đây tôi có thể nói chuyện trôi chảy bằng cả tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha Brazil và đôi chút tiếng Nga. Tôi đã phải rèn luyện rất nhiều. Thật sự thì tôi vẫn biết những điều được cho là “mánh lới” của việc học ngôn ngữ nhưng không cách nào hiệu quả với tôi. Tôi đã mất nhiều giờ học và phải trải qua nhiều buổi trò chuyện vụng về.
Sau đây là một số mẹo học ngôn ngữ tôi đã thu thập được trong những năm gần đây:
1. Nói chuyện, nói chuyện, nói chuyện
Nếu có một “bí mật” hoặc “mánh lới” nào cho việc học ngôn ngữ thì đó chính là: hàng giờ tích cực nói chuyện dù vụng về với những người sử dụng ngôn ngữ đó tốt hơn bạn. Một giờ nói chuyện (được sửa lỗi sai và dùng từ điển để tham khảo) hiệu quả tương đương 5 giờ học trên lớp và 10 giờ tự học.
Có nhiều lý do cho việc này. Lý do đầu tiên là động lực. Tôi không quan tâm sách hướng dẫn của bạn hay ho thế nào, bạn sẽ quyết tâm và có động lực hơn khi giao tiếp với một người ngồi trước bạn hơn là một quyển sách hay chương trình audio trên máy tính.
Lý do thứ hai là ngôn ngữ cần được xử lý chứ không phải ghi nhớ. Tôi không phải chuyên gia trong việc học ngôn ngữ, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chăm chăm đọc và ghi nhớ từ trong sách hoặc các thẻ học từ 100 lần không thể hiệu quả bằng việc bị buộc phải sử dụng từ đó 2 hoặc 3 lần khi trò chuyện. Tôi tin lý do là vì bộ não ưu tiên ghi nhớ những trải nghiệm xã hội có sự tham gia của con người, những ký ức đi kèm với cảm xúc. Vậy nên, ví dụ nếu tôi tra từ “complain” và sử dụng từ này khi trao đổi với một người bạn mới, khả năng là tôi sẽ luôn liên hệ từ đó với cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa tôi và người đó. Trong khi đó, tôi có thể lướt qua từ này 20 lần khi dùng thẻ, và dù có thể hiểu đúng nghĩa của nó, tôi vẫn chưa thật sự tập sử dụng nó trong câu. Nó không có ý nghĩa gì với tôi nên ít có khả năng đọng lại trong tâm trí tôi.
2. Cường độ học quan trọng hơn thời gian học
Khi nói vậy, tôi muốn nói rằng học một ngôn ngữ 4 tiếng một ngày trong vòng 2 tuần sẽ tốt hơn học một tiếng mỗi ngày trong vòng 2 tháng. Đây chính là lý do nhiều người theo học các lớp ngoại ngữ ở trường và chẳng bao giờ nhớ gì cả. Đó là vì họ chỉ học 3-4 tiếng một tuần và các buổi học thường cách nhau vài ngày.
Ngôn ngữ đòi hỏi sự lặp đi lặp lại, rất nhiều những trải nghiệm để tham khảo và sự đầu tư và gắn bó kiên định. Sẽ tốt hơn nếu bạn dành một khoảng thời gian nhất định trong cuộc sống, dù chỉ là 1-2 tuần, và dốc sức 100% còn hơn là nỗ lực nửa vời trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm.
3. Các lớp học có thể rất nhàm chán, lãng phí thời gian và tiền bạc
Khi xem xét mọi yếu tố, kết quả bạn nhận lại chẳng được mấy so với thời gian và công sức bạn bỏ ra cho những lớp học tập thể. Có 2 vấn đề. Thứ nhất, lớp học theo tốc độ của học viên chậm nhất lớp. Thứ hai, học ngôn ngữ là một quá trình cá nhân - mọi người đều học được một số từ hoặc chủ đề dễ hơn so với người khác, do đó lớp học không thể đáp ứng được đồng đều những yêu cầu cụ thể của từng học viên hoặc trong một khoảng thời gian thích hợp.
Chẳng hạn như khi học lớp tiếng Nga, tôi nhận thấy việc chia động từ khá đơn giản vì tôi đã học qua tiếng Tây Ban Nha. Nhưng một bạn học người Anh lại khá vất vả với việc này. Kết quả là tôi mất rất nhiều thời gian đợi anh ấy theo kịp. Tôi cũng có một bạn học người Đức đã làm quen với các cách danh từ trong khi tôi không hề biết đó là gì. Tôi đoán chắc anh ấy cũng đã phải đợi tôi hiểu ra. Lớp học càng đông thì càng ít hiệu quả. Bất cứ ai từng học ngoại ngữ ở trường và cuối cùng chẳng nhớ được gì đều có thể khẳng định điều này với bạn.
4. Bắt đầu bằng 100 từ thông dụng nhất
Không phải tất cả từ vựng đều giống nhau. Một số từ vựng giúp ích cho bạn hơn những từ khác. Ví dụ, khi sống ở Buenos Aires, tôi gặp một anh bạn đã học bằng phần mềm Rosetta Stone suốt nhiều tháng (không khuyến khích). Khi đó, tuy đã học với một gia sư được vài buổi một tuần được mấy tuần, nhưng tôi ngạc nhiên vì anh không thể theo kịp những câu giao tiếp cơ bản nhất mặc dù đã học tập và sinh sống tại đó nhiều tháng trời.
Hóa ra phần lớn từ vựng mà anh học được là về quần áo, đồ dùng nhà bếp, thành viên gia đình và tên các phòng trong nhà. Nhưng anh không biết phải nói gì nếu muốn hỏi ai đó họ sống ở đâu trong thành phố.
Bắt đầu bằng 100 từ phổ biến nhất và thường xuyên dùng những từ này trong câu. Học vừa đủ ngữ pháp để có thể tạo câu và luyện tập đến khi bạn cảm thấy tự nhiên khi sử dụng những từ này.
5. Mang theo từ điển bỏ túi
Điều này tạo khác biệt lớn hơn tôi tưởng. Tôi cài một ứng dụng từ điển Anh-Tây Ban Nha trên điện thoại và thường xuyên sử dụng khi sống tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Trong 2 tuần đầu tiên ở Brazil, tôi lười và cứ quên tải từ điển Anh-Bồ Đào Nha về máy. Tôi đã RẤT vất vả suốt 2 tuần đó dù biết cơ bản tiếng Bồ Đào Nha.
Một khi tôi cài từ điển, mọi chuyện trở nên khác hẳn. Có từ điển trên điện thoại rất tiện vì bạn chỉ cần 2 giây để tra từ ngay trong lúc nói chuyện. Và vì bạn đang dùng từ đó khi trò chuyện, bạn sẽ có khả năng ghi nhớ nó cao hơn. Chỉ một điều đơn giản như vậy thôi cũng có tác động rất lớn đến những cuộc trò chuyện và khả năng tương tác của tôi với người dân địa phương.
6. Thường xuyên luyện tập trong đầu
Mục đích khác khi sử dụng từ điển đó là bạn có thể luyện tập ngay cả khi đang làm những công việc thường ngày và không trò chuyện cùng ai cả. Hãy thách thức bản thân suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới. Tất cả chúng ta đều có những đoạn độc thoại diễn ra trong đầu và thường bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Bạn có thể tiếp tục luyện tập, tạo câu và tưởng tượng các cuộc trò chuyện trong đầu bằng ngôn ngữ mới. Thực tế, sự hình dung này cho phép bạn trò chuyện trôi chảy hơn khi thật sự đối thoại. Ví dụ, bạn có thể mường tượng và luyện tập một cuộc hội thoại về một đề tài bạn có thể sẽ nói đến trước khi thật sự bước vào đối thoại. Bạn có thể bắt đầu nghĩ về cách bạn sẽ mô tả công việc của mình và giải thích tại sao bạn lại đang ở một đất nước khác bằng ngôn ngữ mới này. Những câu hỏi như vậy sớm muộn gì cũng xuất hiện và bạn sẽ có sẵn câu trả lời.
7. Tìm ra những quy luật phát âm
Tất cả các ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng La-tinh đều sẽ có những quy luật phát âm tương tự dựa trên các từ trong tiếng La-tinh. Ví dụ, bất cứ từ nào có đuôi “-tion” trong tiếng Anh gần như luôn có đuôi “-ción” trong tiếng Tây Ban Nha và “-ção” trong tiếng Bồ Đào Nha. Những người nói tiếng Anh vẫn thường đơn giản thêm “-o” “-e” hoặc “-a” vào đuôi từ tiếng Anh để nói những từ Tây Ban Nha mà họ không hiểu. Bỏ qua những suy nghĩ rập khuôn như trên, bạn sẽ ngạc nhiên vì mức độ chính xác của quy tắc này. “Destiny” thành “destino,” “motive” thành “motivo,” “part” thành “parte” và nhiều từ khác. Trong tiếng Nga, đuôi của các cách thể luôn vần với nhau, vậy nếu bạn đang nói về một danh từ giống cái (ví dụ như “Zhen-shee-na”) thì bạn biết rằng tính từ và phó từ thường sẽ vần với đuôi từ trên (“krasee-vaya” thay vì “krasee-vee”).
8. Sử dụng bài luyện nghe và khóa học online để học 100 từ đầu tiên và ngữ pháp cơ bản
Sau đó, bạn chỉ nên dùng những công cụ này vào chỉ để tham khảo. Có rất nhiều tài liệu học như: Pimsleur, Rosetta Stone, Berlitz, DuoLingo… Những khóa học này rất hữu ích cho việc giúp bạn từ chỗ không biết gì đến chỗ nói được vài câu và cụm từ đơn giản trong vòng vài ngày. Những khóa học trên cũng tốt cho việc dạy những từ vựng cơ bản nhất (như: tôi, bạn, ăn, muốn, cảm ơn…).
Nhưng nhược điểm của những tài liệu học này là ít ứng dụng thực tế. Thành tựu lớn nhất của việc đầu tư học ngôn ngữ là buộc bản thân phải lên tiếng và trò chuyện với người khác, và khi ngồi trong phòng với một quyển sách hoặc phần mềm máy tính, bạn không phải diễn đạt nội dung và ý nghĩa bằng ngôn ngữ mới ngay. Thay vào đó, bạn chỉ được khuyến khích học vẹt và sao chép những khái niệm và nguyên tắc bạn đã thấy đâu đó trong giáo trình. Như đã nói đến trước đây, tôi nhận thấy có 2 cách học và cách này hiệu quả hơn cách kia rất nhiều.
9. Sau 100 từ đầu tiên, tập trung vào việc nói chuyện
Nhiều nghiên cứu cho thấy 100 từ phổ biến nhất của bất cứ ngôn ngữ nào thường chiếm 50% các cuộc đối thoại. 1.000 từ thông dụng nhất chiếm 80% các cuộc đối thoại. 3.000 từ thông dụng nhất chiếm 99% mọi tình huống giao tiếp. Nói cách khác, càng học nhiều từ vựng, hiệu quả học tập càng giảm rõ rệt. Tôi có lẽ chỉ biết 500-1.000 từ tiếng Tây Ban Nha nhưng trong hầu hết các cuộc trò chuyện, tôi không bao giờ phải dừng lại để tra từ trên điện thoại.
Chỉ với ngữ pháp cơ bản, bạn sẽ nói được các câu cơ bản trong vòng vài ngày.
“Nhà hàng đó ở đâu vậy?”
“Tôi muốn gặp bạn của anh.”
“Chị gái anh bao nhiêu tuổi?”
“Anh có thích bộ phim không?”
Vài trăm từ đầu tiên sẽ đưa bạn đi một chặng đường dài. Hãy dùng những từ này để làm quen với ngữ pháp, thành ngữ, tiếng lóng và hình thành những suy nghĩ, ý tưởng và chuyện đùa bằng ngôn ngữ mới trong quá trình. Một khi bạn có thể cười đùa thoải mái bằng ngôn ngữ mới, đó là dấu hiệu tốt cho thấy đã đến lúc mở rộng vốn từ.
Nhiều người cố gắng mở rộng vốn từ quá nhanh và quá sớm. Đó là một sự lãng phí thời gian và công sức vì họ vẫn chưa thuần thục những câu giao tiếp cơ bản về đất nước mình, vậy mà họ đã học những từ vựng về kinh tế hoặc y dược. Điều này rất phi lý.
10. Động não tối đa
Bạn biết cảm giác những khi mình động não cường độ cao trong suốt nhiều tiếng và đến một lúc nào đó, đầu bạn như muốn nổ tung không? Hãy nhắm tới ngưỡng đó khi học ngôn ngữ. Bạn có thể chưa tận dụng hết thời gian và nỗ lực nếu chưa chạm đến ngưỡng đó. Ban đầu, chuyện này mới xảy ra sau một hoặc hai tiếng. Càng về sau, nó có thể kéo dài cả tối. Nhưng làm được điều đó là rất tốt.
Nguồn: Mark Manson | Dịch: UBrand.cool–Mạng Xã hội Tri Thức và Xây dựng Thương hiệu Cá nhân